Với “Làm giàu với ma”, Hoài Linh cho thấy sự nỗ lực lớn trong ngày trở lại. Song bộ phim còn vụng về, nhiều lỗi kịch bản.
Thể loại: Chính kịch, Tâm linh, Hài
Đạo diễn: Nguyễn Nhật Trung
Diễn viên: Hoài Linh, Tuấn Trần, Diệp Bảo Ngọc…
Rating: 5.5/10
* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Làm giàu với ma đánh dấu sự trở lại của Hoài Linh sau thời gian dài “ở ẩn”. Tác phẩm cũng có sự tham gia của Tuấn Trần – nam chính nghìn tỷ của điện ảnh Việt, và Diệp Bảo Ngọc – nữ diễn viên được biết đến rộng rãi qua phần phim Lật mặt 6 của Lý Hải.
Với việc sở hữu những gương mặt hút khách, đứa con tinh thần của đạo diễn Nguyễn Nhật Trung nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Song, do một kịch bản tương đối vụng về và phần chất liệu điện ảnh đã cũ kỹ, bộ phim chưa thể đáp lại những kỳ vọng đó.
Kịch bản cũ, nhiều điểm trừ
Được quảng bá là một bộ phim ma có yếu tố hài hước, nhưng thực chất, chất liệu tâm linh trong Làm giàu với ma chỉ làm nền cho chủ đề gia đình và câu chuyện phụ tử.
Tác phẩm xoay quanh mối quan hệ giữa ông Đạo (Hoài Linh) và người con trai tên Lanh (Tuấn Trần). Ông Đạo làm nghề mai táng, một công việc dù cực nhọc nhưng không đem lại cuộc sống sung túc. Nhân vật chịu cực chịu khó cũng chỉ mong con trai được học hành tử tế, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngược lại, Lanh ngày càng hư hỏng. Anh ham mê cờ bạc và liên tục mang nợ về cho gia đình. Chính điều đó đã khiến cuộc sống của hai cha con trở nên khó khăn hơn, mặt khác đẩy mối quan hệ giữa ông Đạo và Lanh lên mức căng thẳng, khó để dung hòa.
Nợ nần từ cờ bạc quá lớn, Lanh quyết định lập một giao ước với ma nữ (Diệp Bảo Ngọc). Anh sẽ kiếm được nhiều tiền dựa trên quy luật của người cõi âm nhưng bù lại, phải giúp ma nữ đi tìm đứa con đã thất lạc 25 năm trước.
Tuy nhiên, cái oái ăm ở chỗ, Lanh được tiền nhưng cha anh mới là người mất phước. Anh càng tham lam thì ông Đạo lại càng gặp nhiều chuyện không hay, bất trắc. Cũng từ đó, chuyện phim đan xen 2 tuyến, vừa làm giàu với ma, vừa hàn gắn mối quan hệ cha con giữa ông Đạo và Lanh.
Về mặt chủ đề và cách triển khai câu chuyện, Làm giàu với ma cho thấy sự cũ kỹ khi tận dụng những chất liệu vốn đã lỗi thời. Câu chuyện yêu ma đồng hành với con người không còn quá mới mẻ, thậm chí đã xuất hiện từ hàng chục năm trước. Bên cạnh đó, đề tài mối quan hệ phụ tử đã được các đạo diễn Việt liên tục khai thác trong nhiều năm trở lại đây, nổi bật là Bố già (2021) của Trấn Thành.
Việc tận dụng các đề tài cũ thực chất không phải là vấn đề quá to tát nếu đạo diễn tìm ra một cách khai thác mới mẻ, sâu sắc. Đơn cử như Ladybird (2017), một tác phẩm khắc họa mối quan hệ mẹ – con vốn không mới, song vẫn được đón nhận nhờ việc chạm đến những ngóc ngách sâu thẳm nhất và tạo ra những nhân vật không theo khuôn mẫu thường thấy.
Tuy nhiên, Làm giàu với ma đã không làm được như vậy. Phim biến bệnh tật trở thành “bức tường” ngăn cách hai nhân vật cha – con, một kiểu bi kịch cũ kỹ nhằm lấy nước mắt khán giả. Cũng chính bệnh tật là rào cản lớn ngăn cản nhân vật phát triển, để rồi đến cuối bộ phim, hành trình của Lanh đột ngột kết lại một cách đầy dang dở.
Bên cạnh đó, kịch bản phim cũng vướng không ít hạn chế, đặc biệt trong xây dựng nhân vật. Người con Lanh hiện lên mù mờ về động cơ, mong muốn lẫn tính cách.
Cho tới nửa phim, người xem dễ dàng cảm nhận được thứ Lanh quan tâm nhất là tiền. Anh kiếm tiền bất chấp tai ương sẽ đổ lên đầu cha, bất chấp sự khốn khổ của ma nữ. Song đến nửa sau, biên kịch lại cho biết thực chất Lanh kiếm tiền là để ông Đạo dưỡng già. Những bước chuyển lớn lao đó chỉ được đánh dấu qua vài dòng kể lễ mà thiếu đi sự xây đắp, dẫn đến chưa thuyết phục.
Thêm nữa, phim cũng cho thấy sự mâu thuẫn trong cách khắc họa tính cách nhân vật. Có lúc, Lanh tỏ ra hối hận, không muốn kiếm tiền, nhưng chỉ sau một cú chuyển cảnh, anh lại bắt đầu sử dụng sức mạnh cõi âm, khiến ông Đạo tiếp tục bị tai nạn.
Tác phẩm cũng có nhiều chi tiết mang nặng tính sắp đặt. Nhằm đẩy kịch tính cho câu chuyện, các tuyến nhân vật không liên quan đến nhau lại được tiết lộ là có mối quan hệ trong quá khứ, dẫn đến thiếu thực tế, khó để khán giả tin vào câu chuyện.
Nỗ lực của Hoài Linh
Làm giàu với ma chứng kiến sự quyết tâm lớn của Hoài Linh trong ngày trở lại địa hạt điện ảnh. Không còn giữ màu sắc hài vốn đã trở thành thương hiệu, nam nghệ sĩ đã có một vai diễn nội tâm ấn tượng, khiến khán giả bất ngờ.
Ông Đạo dưới sự hóa thân của Hoài Linh có sự khắc khổ của một con người đang ở “tâm bão”. Cái nghèo khó, cái bất lực cứ như đeo bám ông trong suốt cả bộ phim. Ông bất lực vì Lanh đổ đốn, bất lực khi không đủ tiền lo chuyện bệnh tật cho đứa con trai, và cũng bất lực khi không thể thay đổi vận mệnh của gia đình mình.
Ánh mắt của Hoài Linh chứa đầy sự giằng xé, đủ những nỗi đau. Những phân đoạn như khiêng quan tài, hay cảnh cõng Lanh ở hồi cuối cho thấy sự dụng công, hy sinh vì vai diễn, như thể nam nghệ sĩ đã dồn mọi quyết tâm cho lần trở lại này.
Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để nâng tầm một tác phẩm có khá nhiều hạn chế. Bên cạnh lỗ hổng kịch bản, Làm giàu với ma còn cho thấy sự cũ kỹ trong phong cách làm phim. Đứa con tinh thần của đạo diễn Nguyễn Nhật Trung liên tục lạm dụng âm nhạc để dẫn dắt cảm xúc khán giả. Những phân đoạn buồn sẽ được lồng nhạc thê lương, ngược lại là âm nhạc có tiết tấu với những cảnh vui.
Cách làm này cho thấy sự thiếu sáng tạo trong phong cách làm phim. Thậm chí trong phân cảnh cụ bà mà ma nữ đang tìm kiếm qua đời, âm nhạc buồn và vui chỉ cách nhau ít giây, khiến tình tiết hiện lên kém duyên, lộ rõ ý đồ dùng âm nhạc để mồi chài cảm xúc.
Không thể phủ nhận những cố gắng của đoàn làm phim trong việc tạo ra những thước phim đẹp, có màu sắc nịnh mắt, song về mặt sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để kể chuyện, Làm giàu với ma vẫn cho thấy sự vụng về, thiếu tinh tế.
Các phân đoạn tình cảm giữa hai cha con nửa cuối phim được dàn dựng có phần sến sẩm, mang tính chất phô trương hơn là bày biện một cách tinh tế. Song, nhờ vào tương tác nhịp nhàng, duyên dáng giữa Tuấn Trần và Hoài Linh, số ít cảnh phim vẫn tạo ra cảm xúc nhất định. Bên cạnh Hoài Linh, diễn xuất của Tuấn Trần cũng là điểm cộng hiếm hoi của tác phẩm.
Sau cùng, mâu thuẫn giữa Lanh và ông Đạo cũng không đủ sâu sắc để kể trong 113 phút. Chính vì vậy, càng về sau tác phẩm càng cho thấy sự dông dài, tạo cảm giác nhàm chán. Tuyến truyện của ma nữ cũng có phần lạc quẻ, không liên quan đến tuyến chính. Để đến khi phim trôi về hồi cuối, các biên kịch đành phải vội vàng kết nối hai tuyến truyện trên bằng một sự thật chẳng đủ thuyết phục.